Cùng với định hướng đẩy mạnh phát triển công nghiệp, Tỉnh Bình Phước xác định nhu cầu nhà ở cho người lao động là bức thiết, đặc biệt trong giai đoạn hậu Covid, vì vậy tỉnh chủ trương phát triển hàng loạt dự án nhà ở xã hội nhằm tạo bước đệm thu hút lao động. Năm 2022, tỉnh kêu gọi doanh nghiệp bất động sản đầu tư vào 9 dự án nhà ở xã hội ở địa phương tập trung đông lao động.

BỨC THIẾT VẤN ĐỀ NHÀ Ở XÃ HỘI CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG
Ngày 15.9, UBND tỉnh Bình Phước tổ chức hội nghị kêu gọi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động. Tham dự hội nghị có lãnh đạo tỉnh Bình Phước, các sở ngành, hiệp hội và hàng trăm doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, bất động sản.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng chủ trương xây dựng thêm các dự án nhà ở giá rẻ cho người lao động là đúng đắn và bức thiết trong bối cảnh hiện nay. Nhà ở không ổn định trong dịch bệnh khiến nhiều lao động rời bỏ các đô thị công nghiệp để về quê. Các tỉnh đang phát triển công nghiệp cần phải có đề án tổng thể, phân tích kỹ lưỡng nhu cầu nhà ở của người lao động và khẩn trương thực hiện.
Theo UBND Bình Phước, tỉnh hiện có 13 khu công nghiệp và 2 khu công nghiệp trong Khu kinh tế đang hoạt động; 9 cụm công nghiệp, trong đó có 1 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động và 8 cụm công nghiệp đang triển khai đầu tư. Trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh dự kiến sẽ thành lập thêm 32 cụm công nghiệp.
Với việc hình thành, phát triển các khu, cụm công nghiệp như trên, trong hiện tại và trong tương lai gần sẽ thu hút dòng dịch chuyển lớn các chuyên gia, công nhân đến địa bàn tỉnh để sinh sống và làm việc. Từ đó, đặt ra yêu cầu cần giải quyết về nhà ở, các công trình phúc lợi xã hội, vui chơi giải trí; đặc biệt là quỹ NOXH phục vụ cho công nhân làm việc tại các khu, cụm công nghiệp.
Bà Trần Tuệ Hiền – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước – cho biết, tỉnh hiện có 2 dự án NOXH độc lập và 1 dự án nhà ở thương mại có xây dựng NOXH đã và đang được đầu tư xây dựng với 847 căn nhà đã hoàn thành (dự án nhà ở xã hội Hưng Thịnh 260 căn, dự án nhà ở xã hội Phúc Thành 450 căn, nhà ở xã hội thuộc khu dân cư Đất Xanh 137 căn).
Theo bà Hiền, việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho các nhóm đối tượng, nhất là đối với công nhân, người lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp. Bình Phước đặt mục tiêu trở thành tỉnh phát triển công nghiệp hiện đại nên việc xây dựng nhà ở cho người lao động là trách nhiệm của cả doanh nghiệp và chính quyền.
PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI LÀ NHIỆM VỤ ĐẶC BIỆT
Phát biểu tại Hội nghị kêu gọi đầu tư lĩnh vực nhà ở xã hội, bà Trần Tuệ Hiền – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho rằng, lần đầu tiên Bình Phước tổ chức Hội nghị với chủ đề này, nhằm kêu gọi các nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện dự án, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội tại địa phương. Hội nghị là cơ hội để tỉnh gặp gỡ, tiếp xúc, thông tin đến doanh nghiệp về tình hình phát triển nhà ở xã hội, những lợi thế và định hướng đầu tư trong lĩnh vực nhà ở xã hội, cũng như lắng nghe ý kiến, các đề xuất từ doanh nghiệp để tiếp tục có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng việc phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người có thu nhập thấp trong thời gian tới.
“Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Bình Phước xác định phấn đấu đến năm 2025, Bình Phước cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp phát triển nhanh và bền vững, có quy mô kinh tế khá trong vùng Đông Nam bộ; đến 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại. Do đó, nhà ở xã hội được xác định là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế – xã hội, là giải pháp quan trọng để thúc đẩy mục tiêu phát triển công nghiệp của tỉnh”, bà Hiền cho biết thêm.
Để có thể phát triển được nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Phước, TS Trương Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam đã góp ý một số chủ trương, chính sách và giải pháp cần thực hiện trong việc xây dựng nhà ở xã hội. Theo đó, Bình Phước nhất thiết phải đồng thời quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đảm bảo hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo quy định. Ngoài ra, tỉnh cần sớm lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập, có cơ chế, giải pháp cụ thể nhằm rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư… để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, uy tín trong lĩnh vực bất động sản tham gia và triển khai đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tạo nguồn cung cho thị trường.

Đồng thời, tỉnh cần đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm và hàng năm. Bên cạnh đó, tỉnh cần đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt; trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện thì thu hồi quỹ đất 20% để lựa chọn, giao cho các chủ đầu tư khác thực hiện.
Cùng quan điểm đó, bà Hồ Thị Lan Chi – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất – Xây dựng – Thương mại và Nông nghiệp Hải Vương lại kiến nghị các chính sách tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho đầu tư và người mua nhà ở xã hội. “Bên cạnh chính sách hiện có, Nhà nước cần xem xét tạo cơ chế cho nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận với quỹ đất để thực hiện dự án. Nếu là đất sạch Nhà nước trực tiếp giao đất hoặc làm cầu nối để doanh nghiệp được nhận bàn giao đất từ người có đất. Trong trường hợp phải đền bù đất cho người dân để thực hiện dự thì cơ quan chức năng cần quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư trong việc thực hiện các thủ tục pháp lý, đền bù, giải tỏa, thu hồi đất để sớm triển khai dự án.
Ngoài ra, Nhà nước cần cho phép tăng mật độ xây dựng và không cứng nhắc trong quy định mẫu thiết kế nhà, cho phép nhà đầu tư được tự quyết định số tầng xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn tại khu vực thực hiện dự án để nâng cao hệ số sử dụng đất nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Đối với giá bán, nhà đầu tư cũng mong muốn được tự quyết định giá bán vì hay gặp rủi ro trong quá trình thi công, hoàn thành dự án. Bởi các chi phí đầu vào luôn biến động như trượt giá nguyên vật liệu, chi phí lãi vay, giá vật liệu xây dựng, nhân công tăng mặc dù được ưu đãi về thuế đất nhưng bị khống chế về giá, lợi nhuận”, bà Lan Chi nhấn mạnh.
XÂY NHÀ Ở XÃ HỘI Ở NƠI TẬP TRUNG ĐÔNG NGƯỜI LAO ĐỘNG
Theo UBND tỉnh Bình Phước, giai đoạn 2022-2030, số lao động trên địa bàn tỉnh là hơn 156.000 người. Giai đoạn 2022-2030, tỉnh sẽ triển khai thực hiện 18 dự án nhà ở xã hội cho công nhân với diện tích khoảng 173ha.
Trong năm 2022, tỉnh Bình Phước thực hiện xúc tiến đầu tư nhà ở xã hội cho 9 dự án. Các dự án nhà ở xã hội được quy hoạch tập trung ở các địa bàn đông công nhân lao động như: Đồng Xoài 2 dự án, Chơn Thành 4 dự án, Đồng Phú 9 dự án, Hớn Quản 2 dự án, Lộc Ninh 1 dự án.
Loại hình sản phẩm là khu dân cư, khu nhà ở liền kề và căn hộ. Trong đó, nhà liền kề số tầng là 2-3 tầng với diện tích 50-70m2/căn. Căn hộ loại 1 là các tòa nhà cao 5-7 tầng hoặc 10-15 tầng, diện tích mỗi căn hộ 25m2 sàn và 12m2 gác lửng. Căn hộ loại 2 là các tòa nhà cao tầng 12-15 tầng, diện tích căn hộ từ 30-70m2.
Các dự án trên kỳ vọng, sẽ đáp ứng nhu cầu nhà ở cho khoảng 133.000 người (chiếm khoảng 85% tổng nhu cầu). Trong đó, có khoảng 123.000 người thuộc nhóm đối tượng công nhân, 10.000 người thuộc các nhóm đối chính sách tượng còn lại.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Phước, các doanh nghiệp đầu tư vào Bình Phước sẽ hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của Luật Nhà ở, Luật Đất đai và các Nghị định hướng dẫn của Chính phủ. Tỉnh cũng có chính sách riêng để thu hút các chủ đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tại Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND. Tỉnh cũng ban hành quy trình đầu tư, nỗ lực cải cách hành chính, rút ngắn các thủ tục để tạo điều kiện cho nhà đầu tư…
>>> Tìm hiểu thêm: Khu dân cư Bình Long Future Gate – An thịnh vượng, thắp tương lai